Bệnh hiểm nghèo là nỗi lo của nhiều gia đình, bởi nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn gây áp lực lớn về tài chính. Vậy bệnh hiểm nghèo là bệnh gì và bảo hiểm có hỗ trợ những trường hợp này hay không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có giải đáp chính xác.
1. Tìm hiểu bệnh hiểm nghèo là gì?
Bệnh hiểm nghèo có thể được hiểu là những căn bệnh nghiêm trọng, khó chữa khỏi và hầu như không có phương thức chữa trị. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật Việt Nam, vẫn chưa có sự thống nhất về định nghĩa chính xác của loại bệnh này.
Dù vậy, vẫn có thể xác định bệnh hiểm nghèo thông qua các văn bản như:
– Theo Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.
– Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Bệnh hiểm nghèo là gì? Đây được hiểu là những căn bệnh nguy hiểm và khó có phương pháp chữa trị.
2. Bệnh hiểm nghèo có được bảo hiểm không? Danh sách bệnh hiểm nghèo được bảo hiểm
Các bệnh hiểm nghèo đều có độ nguy hiểm cao nên sẽ được ưu tiên bảo hiểm theo quy định của chính phủ. Cụ thể, theo Thông tư 26/2014/TT-BQP quy định danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm:
- Các bệnh ung thư.
- Các bệnh hệ thần kinh.
- Các bệnh về gan.
- Các bệnh hệ tiết niệu.
- Các bệnh chuyển hóa.
- Các bệnh hệ hô hấp.
- Các bệnh hệ tuần hoàn.
- Các bệnh hệ cơ, xương, khớp.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch.
Đồng thời, tại Phụ lục 4 danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP cũng có quy định thêm danh sách bệnh hiểm nghèo gồm 42 trường hợp đó là:
1. Ung thư | 16. Teo cơ tiến triển | 31. Ghép cơ quan (Ghép tim, gan, thận) |
2. Nhồi máu cơ tim lần đầu | 17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng | 32. Bệnh lao phổi tiến triển |
3. Phẫu thuật động mạch vành | 18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết | 33. Bỏng nặng |
4. Phẫu thuật thay van tim | 19. Thiếu máu bất sản | 34. Bệnh cơ tim |
5. Phẫu thuật động mạch chủ | 20. Liệt hai chi | 35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ |
6. Đột quỵ | 21. Mù hai mắt | 36. Tăng áp lực động mạch phổi |
7. Hôn mê | 22. Mất hai chi | 37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động |
8. Bệnh xơ cứng rải rác | 23. Mất thính lực | 38. Chấn thương sọ não |
9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ | 24. Mất khả năng phát âm | 39. Bệnh chân voi |
10. Bệnh Parkinson | 25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn | 40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp |
11. Viêm màng não do vi khuẩn | 26. Suy thận | 41. Ghép tủy |
12. Viêm não nặng | 27. Bệnh nang tủy thận | 42. Bại liệt |
13. U não lành tính | 28. Viêm tụy mãn tính tái phát | |
14. Loạn dưỡng cơ | 29. Suy gan | |
15. Bại hành tủy tiến triển | 30. Bệnh lupus ban đỏ |
3. Mức chi trả bảo hiểm đối với bệnh hiểm nghèo là bao nhiêu?
Theo Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế 2008, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi khám, chữa bệnh do mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Cụ thể như sau:
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; Người có công với cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi.
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
- 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.
Lưu ý: Trường hợp một người có thể thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo nhóm đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí khám, chữa bệnh tùy theo từng đối tượng cụ thể.
4. Thủ tục xin cấp BHYT bệnh hiểm nghèo
Để được nhận bảo hiểm bảo trợ bệnh hiểm nghèo, bạn cần phải thực hiện những bước sau:
– Bước 1: Người tham gia BHYT lần đầu cần điền Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT theo Mẫu số 2 hoặc Mẫu số 3 (đối với BHYT hộ gia đình) ban hành kèm Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Danh sách tham gia BHYT được lập cho các nhóm đối tượng sau:
- Người lao động: Do người sử dụng lao động lập danh sách tham gia BHYT theo quy định tại Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Học sinh, sinh viên, học viên giáo dục nghề nghiệp: Cơ sở giáo dục lập danh sách theo Khoản 15, Điều 3 và Khoản 3, Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Lực lượng vũ trang: Đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập danh sách cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo Khoản 1, Điều 1; Khoản 13, Điều 3 và Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Người hiến tạng: Cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT dựa trên giấy ra viện do cơ sở khám chữa bệnh cấp cho người hiến bộ phận cơ thể.
- Các đối tượng khác: UBND xã lập danh sách theo Điều 2 và các khoản từ 1 đến 12, 16, 17 Điều 3; các khoản 1, 2, 4 Điều 4; và Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Bước 2: Người tham gia BHYT nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH và nhận Giấy tiếp nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả cấp thẻ BHYT theo Mẫu 4, Phụ lục của Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Bước 3: Cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện kiểm tra hồ sơ, điều chỉnh thông tin và cấp Giấy tiếp nhận, hẹn trả kết quả.
Thời hạn giải quyết: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHYT sẽ chuyển thẻ BHYT cho đơn vị quản lý hoặc trực tiếp đến tay người tham gia.
Để được hưởng BHYT bệnh hiểm nghèo, người bệnh cần phải chuẩn bị thủ tục cần thiết theo yêu cầu.
5. Ngoài được hưởng bảo hiểm y tế, người mắc bệnh hiểm nghèo còn được hỗ trợ gì không?
Bên cạnh được bảo hiểm bảo trợ bệnh hiểm nghèo từ BHYT, tùy theo từng đối tượng cụ thể sẽ có những quy định về trợ cấp khác nhau. Chẳng hạn như:
- Người lao động đang làm việc nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi mắc các bệnh hiểm nghèo, phải điều trị kéo dài nhiều ngày sẽ được hưởng chế độ ốm đau để bù đắp thu nhập bị mất. Mức hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23, Điều 25 Luật BHXH.
- Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí được hỗ trợ thanh toán một phần viện phí từ 1 triệu đồng trở lên. Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh thì thanh toán viện phí theo quy định hiện hành.
Theo Điều 6 Thông tư số 158/2011/TT-BQP do Bộ Quốc phòng ban hành, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, nếu mắc một trong các bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo (theo Phụ lục 1 kèm theo Thông tư), sẽ được Ban Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh ra quyết định công nhận. Khi đó, cán bộ sẽ nhận trợ cấp hàng quý. Trợ cấp sẽ chấm dứt từ quý tiếp theo nếu cán bộ từ trần.
Mặc dù người mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của Nhà nước, nhưng quá trình giải quyết quyền lợi này khá phức tạp. Người bệnh phải hoàn thiện nhiều loại giấy tờ và tuân theo quy trình thủ tục kéo dài. Hơn nữa, mức trợ cấp hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ chi phí điều trị, do bệnh hiểm nghèo thường đòi hỏi các phương pháp chữa trị tiên tiến và kéo dài, khiến chi phí vượt xa khả năng chi trả của nhiều gia đình.
Do đó, để giảm bớt gánh nặng tài chính và đảm bảo khả năng chi trả trong trường hợp không may mắc bệnh hiểm nghèo, bên cạnh BHYT việc tham gia thêm các gói bảo hiểm nhân thọ có kèm quyền lợi bệnh hiểm nghèo là một giải pháp đáng cân nhắc. Bảo hiểm nhân thọ không chỉ hỗ trợ chi phí điều trị mà còn mang lại sự an tâm cho gia đình, giúp duy trì cuộc sống và đảm bảo tài chính vững chắc khi rủi ro xảy ra.
Để giảm bớt gánh tài chính, phòng tránh những rủi ro và an tâm trong cuộc sống, bên cạnh BHYT bạn có thể cân nhắc tham gia thêm bảo hiểm nhân thọ.
Việc hiểu rõ bệnh hiểm nghèo là bệnh gì và các chính sách bảo hiểm liên quan sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Ngoài ra, đừng quên tham khảo kỹ các quy định và lựa chọn thêm gói bảo hiểm phù hợp để an tâm hơn trước mọi rủi ro trong cuộc sống.