Bảo hiểm là gì? Phân loại, chức năng & thông tin nên biết

34

Hiện nay, tham gia bảo hiểm được xem là giải pháp bảo vệ tài chính và nâng cao chất lượng cuộc sống trước các rủi ro bất ngờ. Vậy bảo hiểm là gì? Phân loại, chức năng và nguyên tắc của bảo hiểm như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích giúp bạn giải đáp các thắc mắc này. Cùng tìm hiểu ngay.

1. Khái niệm bảo hiểm là gì?

Bảo hiểm thuộc loại hình bảo vệ mà trong đó người tham gia được hưởng các khoản trợ cấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Khoản trợ cấp này được chi trả dựa trên khoản tiền người tham gia tự đóng góp cho bản thân, người thân hoặc món tài sản nào đó trước khi xảy ra rủi ro. Khoản trợ cấp sẽ do một tổ chức (công ty bảo hiểm) chịu trách nhiệm thanh toán cho người tham gia theo quy định trong hợp đồng.

bảo hiểm

Bảo hiểm là cách thức con người ngăn ngừa tổn thất tài sản khi xảy ra rủi ro bất ngờ.

Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua (người tham gia) và bên bán (doanh nghiệp bảo hiểm). Nội dung trong hợp đồng đều được sự đồng ý của 2 bên, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người mua lẫn người bán. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo quy định. Khi có sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền hoặc bồi thường cho người thụ hưởng.

2. Đặc điểm cơ bản của bảo hiểm là gì?

Đặc điểm của bảo hiểm là sự đảm bảo tuân thủ theo hợp đồng bảo hiểm được giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia.

Doanh nghiệp bảo hiểm là bên nhận phí bảo hiểm và chịu trách nhiệm chi trả tiền hoặc bồi thường vật chất khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Bảo hiểm có vai trò như một phương thức lập quỹ tiền tệ (quỹ bảo hiểm) để bù đắp những thiệt hại do các rủi ro gây ra cho bên mua bảo hiểm.

3. Các loại hình bảo hiểm phổ biến hiện nay

Có nhiều cách phân loại bảo hiểm ở Việt Nam. Trong đó dựa vào khía cạnh xã hội và kinh tế là cách phân biệt dễ dàng nhất. Theo đó, bảo hiểm được chia thành 2 loại chính:

3.1 Tìm hiểu về bảo hiểm do Nhà nước thực hiện

Bảo hiểm Nhà nước là bảo hiểm được phát hành vì lợi ích của người dân, bao gồm 3 loại sau:

  • Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Khi tham gia bảo hiểm y tế, người tham gia được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ phí điều trị khi xảy ra rủi ro ốm đau, bệnh tật.
  • Bảo hiểm tiền gửi: Bảo hiểm tiền gửi là sự đảm bảo hoàn tiền cho người tham gia ở một hạn mức quy định, khi tổ chức nhận tiền gửi (tổ chức tài chính, ngân hàng) không có khả năng chi trả hoặc phá sản.
  • Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội là chế độ hỗ trợ tài chính cho người lao động trong trường hợp bị giảm thu nhập do ốm đau, tai nạn lao động, nghỉ hưu hoặc tử vọng. Bảo hiểm xã hội gồm 2 loại là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

bảo hiểm là gì

Bảo hiểm xã hội là sự bồi thường một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, tai nạn.

3.2 Bảo hiểm thương mại

Bảo hiểm thương mại là loại bảo hiểm có mục đích kinh doanh sinh lời, được triển khai bởi các doanh nghiệp hoặc công ty bảo hiểm. Theo đó, người tham gia phải đóng phí bảo hiểm để duy trì hợp đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường khoản tiền theo thỏa thuận cho người thụ hưởng nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm. 

  • Bảo hiểm nhân thọ: Đây là giải pháp bảo vệ tài chính của người tham gia trước rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể và tính mạng. Bên cạnh đó, bảo hiểm nhân thọ còn cung cấp tính năng tích lũy và đầu tư sinh lời. Qua đó giúp người tham gia chủ động tạo dựng tài chính vững chắc, an tâm trước các rủi ro bất ngờ của cuộc sống.
  • Bảo hiểm phi nhân thọ: Loại bảo hiểm này cung cấp quyền lợi chi trả, bồi thường tổn thất khi người tham gia gặp rủi ro liên quan đến cháy nổ, trộm cắp, tai nạn khi du lịch, thiên tai (bão, lũ lụt, động đất,…)
  • Bảo hiểm sức khỏe: Khái niệm bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm hỗ trợ chi trả các chi phí y tế khi người tham gia chăm sóc sức khỏe hoặc gặp rủi ro như tai nạn, bệnh hiểm nghèo, nằm viện, thương tật toàn bộ hoặc vĩnh viễn.

4. Các chức năng chính của bảo hiểm là gì?

Cùng phân tích các chức năng của bảo hiểm để hiểu hơn về hình thức bảo vệ này:

  • Hỗ trợ tài chính: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, công ty sẽ chi trả số tiền bảo hiểm cho người tham gia nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
  • Tích lũy cho mục tiêu tương lai: Bảo hiểm là giải pháp tích lũy tài chính ổn định, giúp người tham gia an tâm hơn trước các rủi ro bất ngờ như ốm đau, nằm viện, tai nạn, thương tật hoặc tử vong. Ngoài ra, số tiền tích lũy còn giúp người tham gia hoàn thành các mục tiêu trong tương lai như mua nhà, cho con đi du học, hưu trí an nhàn,…
  • Thể hiện tình yêu thương với người thân: Mua bảo hiểm không chỉ bảo vệ tài chính trước rủi ro bất ngờ mà còn là cách thể hiện sự quan tâm và chăm sóc với những người thân yêu. Nhờ đó, gia đình bạn thêm gắn kết và yêu thương nhau, vững tâm vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
  • Góp phần phát triển nền kinh tế ổn định: Tham gia bảo hiểm không chỉ có lợi cho cá nhân và doanh nghiệp mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, ngành bảo hiểm phát triển tạo thêm nhiều công việc liên quan cho người lao động. Điều này giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ đó ổn định an sinh xã hội tốt hơn.

khái niệm bảo hiểm

Bảo hiểm không chỉ bảo vệ tài chính trước rủi ro, tích lũy đầu tư cho tương lai, chăm sóc toàn diện cho người thân mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

5. Các nguyên tắc cơ bản trong bảo hiểm

Trước khi tham gia bảo hiểm, bạn cần nắm rõ các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin trung thực. Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi xác lập dựa trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau.
  • Nguyên tắc quyền lợi được bảo hiểm: Đây là những lợi ích và quyền lợi mà bên mua bảo hiểm nhận được khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận hợp đồng. Ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
  • Nguyên tắc bồi thường: Số tiền bồi thường mà người tham gia nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm (trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng).
  • Nguyên tắc thế quyền: Người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi thường số tiền theo quy định. Nguyên tắc này không áp dụng với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
  • Nguyên tắc tắc rủi ro ngẫu nhiên: Rủi ro được bảo hiểm phải là những sự cố bất ngờ, không lường trước được. 

6. Các thuật ngữ dùng trong bảo hiểm mà bạn nên biết

Dưới đây là một số thuật ngữ bạn cần nắm rõ khi tìm hiểu về bảo hiểm:

  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan này có chức năng thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cơ quan có trách nhiệm quản lý quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
  • Quỹ bảo hiểm y tế: Đây là quỹ tài chính có được từ nguồn bảo hiểm y tế đã được đóng cùng đa dạng nguồn thu hợp pháp. Quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng để chi trả phí khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế; phí quản lý bộ máy tổ chức…
  • Quỹ bảo hiểm xã hội: Đây là quỹ tài chính độc lập với ngân sách của Nhà nước. Quỹ được tạo từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước.
  • Thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Được tính từ lúc người lao động bắt đầu đến khi ngừng đóng phí. Trường hợp không đóng liên tục, thời gian đóng bảo hiểm được tính là tổng thời gian đã đóng.
  • Doanh nghiệp bảo hiểm: Đây là cơ quan cung cấp sản phẩm bảo hiểm được thành lập, hoạt động và tổ chức theo quy định Luật kinh doanh bảo hiểm.
  • Đại lý bảo hiểm: Các cá nhân hay tổ chức được các doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền nhằm thực hiện các hoạt động theo quy định dành cho các đại lý của Luật kinh doanh bảo hiểm và những quy định khác.
  • Bên mua bảo hiểm: Cá nhân hoặc tổ chức ký kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Phía mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng khi xảy ra rủi ro.
  • Người được bảo hiểm: Người hoặc tổ chức có quyền công dân, trách nhiệm dân sự được hợp đồng bảo hiểm đã ký kết bảo vệ theo quy định và chế độ. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng khi có rủi ro bất ngờ xảy ra.
  • Người thụ hưởng: Cá nhân hoặc tổ chức được chỉ định nhận số tiền bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết trước đó.
  • Hợp đồng bảo hiểm: Là văn bản thể hiện sự thỏa thuận giữa bên mua (người tham gia) và bên bán (doanh nghiệp bảo hiểm). Trong hợp đồng bảo hiểm sẽ đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ đền bù, bảo vệ của bên bán; bên mua phải thực hiện đóng phí theo đúng thỏa thuận.
  • Phí bảo hiểm: Khoản tiền phải đóng theo thời gian và phương thức được thỏa thuận mà người tham gia phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm. 
  • Số tiền bảo hiểm: Đây là khoản tiền được ghi nhận trên hợp đồng bảo hiểm. Dựa vào đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả các quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia như quyền lợi ốm đau, bệnh tật, thương tật hay tử vong…

Số tiền bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng để bảo vệ tài chính trước các rủi ro bất ngờ.

7. Lưu ý cần biết khi tham gia bảo hiểm

Để tham gia bảo hiểm thuận lợi, nhận được tối ưu các quyền lợi bạn cần lưu ý một số điều sau:

7.1 Chọn sản phẩm có phạm vi bảo hiểm phù hợp nhu cầu

Phạm vi bảo hiểm là phạm vi giới hạn của những rủi ro tổn thất và chi phí phát sinh mà công ty bảo hiểm sẽ thanh toán nếu rủi ro xảy ra. Tùy vào nhu cầu của bản thân và gia đình mà bạn chọn tham gia sản phẩm bảo hiểm có phạm vi bảo vệ phù hợp.

7.2 Đọc kỹ điều khoản hợp đồng bảo hiểm

Bạn nên đọc kỹ và nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm như quyền lợi nhận được, phí bảo hiểm, trường hợp không được bồi thường,… Điều này giúp bạn được bảo vệ tốt hơn, tránh các tranh chấp về bồi thường trong tương lai. Trong quá trình đọc hợp đồng, nếu có vấn đề chưa hiểu rõ bạn nên hỏi tư vấn viên để được hỗ trợ kịp thời.

7.3 Mức phí bảo hiểm phù hợp tài chính

Bạn nên trao đổi với nhân viên về khả năng tài chính của mình để chọn được sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất. Việc này giúp bạn được bảo hoạch định tài chính tốt hơn, duy trì được bảo hiểm lâu dài để được bảo vệ tối ưu trước các rủi ro trong cuộc sống.

7.4 Chọn công ty bảo hiểm uy tín, đáng tin cậy

Bạn nên chọn công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín, có lịch sử hoạt động lâu đời, năng lực tài chính mạnh, được nhiều khách hàng đánh giá cao. Điều này giúp bạn an tâm hơn trong suốt thời gian tham gia bảo hiểm.

Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ bảo hiểm là gì cũng như phân loại, chức năng và các nguyên tắc liên quan. Nhìn chung, bảo hiểm là hình thức chia sẻ rủi ro giữa cá nhân và tổ chức bảo hiểm, giúp bạn có thể an tâm trước các rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống. Vậy nên, ngay hôm nay bạn hãy chủ động tìm hiểu và tham gia loại bảo hiểm phù hợp để yên tâm tận hưởng cuộc sống nhé!