Bảo hiểm nhân thọ bao gồm rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà không phải ai cũng thật sự biết và hiểu. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ trong bảo hiểm nhân thọ trong bài viết sau đây để hiểu rõ các sản phẩm trước khi tham gia.
1. Doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm là những doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Đây là khái niệm đã được quy định tại Điều 3, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
2. Đại lý bảo hiểm
Cũng theo Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, đại lý là thuật ngữ bảo hiểm để chỉ các tổ chức và cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền. Sự ủy quyền này được thực hiện căn cứ trên cơ sở hợp đồng giữa đại lý và doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, hoạt động của đại lý bảo hiểm cũng phải theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khách hàng có thể tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoặc thông qua đại lý đều được
3. Người được bảo hiểm
Người được bảo hiểm (có thể là tổ chức, cá nhân) là đối tượng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù người được bảo hiểm khác người thụ hưởng nhưng trong một số trường hợp, người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.
4. Bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm (có thể là tổ chức hoặc cá nhân) là đối tượng thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
Bên mua bảo hiểm là người kê khai, ký tên trên đơn yêu cầu bảo hiểm, thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định trong Hợp Đồng. Vì thế nếu là cá nhân, bên mua bảo hiểm cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Phải từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Đang sinh sống tại Việt Nam.
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ là một trong những giải pháp tối ưu để đảm bảo tài chính trước nhiều bất trắc trong cuộc sống. Tuy nhiên với những người lần đầu tham gia thì việc bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Vậy khi mua bảo hiểm…
5. Người thụ hưởng
Trong thuật ngữ bảo hiểm nhân thọ, người thụ hưởng là cá nhân hoặc tổ chức có quyền nhận số tiền yêu cầu bồi thường và các quyền lợi khác khi người được bảo hiểm tử vong hoặc khi đáo hạn hợp đồng. Nếu không đề cập đến người thụ hưởng, quyền lợi bảo hiểm sẽ được chuyển cho người thừa kế của người được bảo hiểm.
Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm là người được đề cập trực tiếp trên hợp đồng bảo hiểm
6. Hợp đồng bảo hiểm
Tương tự các hợp đồng khác, hợp đồng bảo hiểm cũng là sự thỏa thuận giữa 2 bên: bên bán (doanh nghiệp bảo hiểm) và bên mua (cá nhân hoặc tổ chức mua bảo hiểm). Theo đó, để nhận các quyền lợi bảo hiểm từ bên bán, bên mua cần phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trên hợp đồng.
7. Thời hạn hợp đồng
Thời hạn hợp đồng bảo hiểm được tính khi hợp đồng có hiệu lực cho đến khi kết thúc. Tất cả điều này đều được đề cập rõ trên hợp đồng.
8. Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm
Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm quyết định chấp nhận hoặc từ chối bên tham gia bảo hiểm trong thời gian thẩm định. Hồ sơ này thường được thiết kế và cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm. Bên mua, tức là người tham gia cần điền đầy đủ và chính xác thông tin trong hồ sơ này.
Khách hàng có thể tham khảo hồ sơ bảo hiểm gồm những gì trên website của công ty bảo hiểm
9. Quyền lợi bảo hiểm
Quyền lợi bảo hiểm là một trong các thuật ngữ trong bảo hiểm nhân thọ phổ biến. Theo đó, khi xảy ra bất kỳ rủi ro nào cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ vào những điều khoản trong hợp đồng để chi trả quyền lợi bảo hiểm. Các quyền lợi này thường được đề cập trên website của doanh nghiệp và cả trong bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm.
10. Phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ nộp cho doanh nghiệp để nhận được các quyền lợi như hợp đồng đã đề cập.
Thông thường, mức phí của một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe hiện tại. Khi tham gia, khách hàng có thể chọn đóng phí bảo hiểm theo tháng, quý hoặc năm tùy theo nhu cầu.
11. Số tiền bảo hiểm
Trong thuật ngữ bảo hiểm, số tiền bảo hiểm còn được gọi là mệnh giá bảo hiểm. Đây là số tiền cố định, được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận (đã được đề cập trên hợp đồng) và dựa vào đó để chi trả các quyền lợi cho người thụ hưởng.
12. Sự kiện bảo hiểm
Sự kiện bảo hiểm là những sự kiện khách quan mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ vào đó để chi trả quyền lợi cho khách hàng. Nói cách khác, sự kiện bảo hiểm chính là những rủi ro bất ngờ, không phải do người được bảo hiểm cố ý thực hiện (tự tử, tự gây thương tích, chủ ý gây tai nạn,…) nhằm mục đích nhận tiền bồi thường.
13. Điều khoản hợp đồng bảo hiểm
Trong các thuật ngữ bảo hiểm nhân thọ, điều khoản hợp đồng bảo hiểm bao gồm những ý được đề cập trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là những trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, thường là do người được bảo hiểm cố ý gây ra tổn thương cho chính mình.
Khách hàng có thể tham khảo trước các điều khoản mà sản phẩm bảo hiểm loại trừ trên các trang thông tin chính thức của công ty
14. Bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm
Bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm bao gồm các giả định (ví dụ) để người tham gia bảo hiểm có cái nhìn tổng quan về các quyền lợi tương ứng mức phí mà họ muốn đóng hàng năm ra sao. Nhờ đó, người tham gia có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm để đưa ra quyết định đúng đắn.
15. Giấy chứng nhận bảo hiểm
Giấy chứng nhận bảo hiểm là văn bản xác nhận và cũng là bằng chứng thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận bảo hiểm theo điều kiện nào đó. Văn bản này do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành và được cung cấp cho bên mua khi họ hoàn thành việc đóng phí.
16. Ngày hiệu lực hợp đồng
Ngày hiệu lực hợp đồng là ngày mà hợp đồng bảo hiểm chính thức có hiệu lực ngay tại thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua giao kết. Tuy nhiên, ngày hiệu lực hợp đồng có thể thay đổi tùy theo thỏa thuận của 2 bên hoặc do ảnh hưởng của quy định khác.
17. Ngày kết thúc hợp đồng
Đối với các thuật ngữ trong bảo hiểm nhân thọ, ngày kết thúc hợp đồng được gọi là ngày đáo hạn. Đây là ngày mà hợp đồng bảo hiểm chính thức hết hiệu lực. Thời điểm này được doanh nghiệp bảo hiểm đề cập trong hợp đồng.
Khách hàng cần kiểm tra kỹ ngày bắt đầu và ngày kết thúc trước khi ký hợp đồng bảo hiểm
18. Ngày kỷ niệm hợp đồng
Là ngày tương ứng hàng năm hoặc hàng tháng của ngày bắt đầu bảo hiểm. Nếu năm không có ngày này (ví dụ ngày 29/2 của năm nhuận) thì ngày cuối cùng của tháng đó sẽ được xem là ngày kỷ niệm hợp đồng.
19. Sản phẩm bảo hiểm bổ trợ
Sản phẩm bảo hiểm bao gồm 2 loại là sản phẩm bảo hiểm chính và sản phẩm bảo hiểm bổ trợ. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm bổ trợ là thuật ngữ đề cập những sản phẩm được đính kèm với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính. Mục đích của những sản phẩm này là gia tăng thêm quyền lợi bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người tham gia.
20. Lãi chia
Lãi chia của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là khoản lãi hàng năm mà khách hàng sẽ nhận được từ quỹ đầu tư mà khách hàng đã đóng góp trước đó. Khách hàng cần lưu ý là có 2 hợp đồng bảo hiểm là loại có chia lãi và không chia lãi.
21. Phụ lục hợp đồng
Phụ lục hợp đồng bảo hiểm là văn bản được doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp kèm theo và là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng cũng có hiệu lực như hợp đồng chính thức.
22. Giá trị giải ước
Giá trị giải ước là số tiền mà người mua sẽ nhận được khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc theo các quy định trong điều khoản trên hợp đồng. Thế nhưng không phải hợp đồng nào cũng có giá trị giải ước.
23. Giới hạn tối đa của trách nhiệm bảo hiểm
Nếu hợp đồng bảo hiểm của bạn có quy định mức tối đa của trách nhiệm bảo hiểm thì khi xảy ra rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường trong mức giới hạn. Điều này sẽ được quy định rõ trên hợp đồng.
Khách hàng nên xem xét kỹ và có thể nhờ nhân viên tư vấn kỹ phần giới hạn tối đa nếu chưa nắm rõ
Trên đây là các thuật ngữ trong bảo hiểm nhân thọ phổ biến hiện nay. Hi vọng thông qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về các sản phẩm bảo hiểm để có sự lựa chọn chính xác và phù hợp nhất.